1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch. Đây là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.
2. Phân loại bệnh trĩ
Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids) .
- Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại. Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn.
- Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội, và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium) .
Phân độ bệnh trĩ: dựa vào sự tiến triển của búi trĩ còn nằm bên trong hay đã sa ra khỏi hậu môn.
- Trĩ độ 1: búi trĩ nằm hoàn toàn trong ống hậu môn.
- Trĩ độ 2: lúc bình thường trĩ nằm gọn trong ống hậu môn, khi rặn đi cầu búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài. Khi đi cầu xong đứng dậy búi trĩ tự thụt vào trong.
- Trĩ độ 3: mỗi lần đi cầu hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Lúc này phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào hoặc dùng tay đẩy nhẹ vào.
- Trĩ độ 4: búi trĩ gần như thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn.
3. Yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ
- Táo bón, hoặc tiêu chảy làm tăng tần suất bệnh trĩ, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu.
- Chế độ ăn ít chất xơ, làm tăng tần suất bệnh trĩ
- Thừa cân và béo phì, làm gia tăng tần suất bệnh
- Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng như khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt,…, đứng lâu, ngồi nhiều như thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng làm gia tăng áp lực ổ bụng cản trở sự hồi lưu máu về tim đưa đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
- U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung và thai nhiều tháng làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch.
4. Nguyên nhân gây bệnh trĩ
Các tĩnh mạch xung quanh hậu môn có xu hướng căng dưới áp lực và có thể phồng lên hoặc sung huyết. Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:
- Rặn khi đi cầu
- Ngồi lâu trên bồn cầu
- Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
- Béo phì
- Mang thai
- Giao hợp qua đường hậu môn
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.